Viêm não Nhật Bản, bệnh dịch nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Viêm não là phản ứng của hệ thần kinh trung ương chủ yếu là ở não bộ với những tác động bất thường có thể là do vi khuẩn, virus hoặc một số nguyên nhân không xác định được. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Đây là căn bệnh để lại khá nhiều di chứng nặng nề cho dù người bệnh may mắn thoát chết. Cùng BS Nguyễn Nhung tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này.

1. Dịch tễ học bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản B (VNNB) là một trong những bệnh lý để lại di chứng nặng nề và tỉ lệ tử vong cao thường gặp ở trẻ em nhất là khi thời tiết nắng nóng.

Năm 2017 theo thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 200 trẻ ở 40 tỉnh thành ghi nhận dương tính với VNNB. Trong số 200 ca bệnh có đến 50,5% trẻ có độ tuổi từ 5-9 tuổi. Đây là nhóm tuổi mắc bệnh viêm não Nhật Bản nhiều nhất. Trong đó phần lớn đều không tiêm chủng vaccine, không rõ về tiền sử hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Tình hình bệnh viêm não Nhật Bản tại Việt Nam
2. Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Virus viêm não Nhật Bản B được xếp vào nhóm B của các virus Arbor thuộc họ Flaviviridae, dòng virus Flavi cùng với các virus sốt vàng, virus Dengue…v..v

Đường lây truyền viêm não Nhật Bản

 

Người không phải là vật chủ quan trọng của loại virus này mà chỉ là lây nhiễm tình cờ. Hầu hết các trường hợp lây truyền bệnh là do muỗi hoặc các côn trùng đốt các loài chim. Chim là vật chủ mang mầm bệnh nhưng bản thân chim lại không có biểu hiện của bệnh. Ngoài ra còn có thêm các loài vật chủ khác mang mầm bệnh như heo.

Muỗi truyền bệnh là Culex. Ban ngày chúng sống trong bụi cây ngoài vườn. Ban đêm bay vào nhà cắn hút máu và lây bệnh. Muỗi Culex hút máu về đêm từ 18h đến 22h, giảm dần và ngưng hoạt động vào 8h sáng.

3. Các biểu hiện của viêm não Nhật Bản theo từng giai đoạn 

3.1. Biểu hiện theo giai đoạn virus xâm nhập.

Virus viêm não Nhật Bản B khi xâm nhập vào cơ thể có 2 giai đoạn: Giai đoạn virus huyết và giai đoạn xâm nhiễm hệ thần kinh.

– Ở giai đoạn đầu: rất khó để chẩn đoán bệnh vì trẻ có thể chỉ có sốt và hội chứng nhiễm virus. Chưa có biểu hiện của tổn thương hệ thần kinh. Một số trẻ chỉ dừng lại ở giai đoạn này được gọi là thể ẩn. Thể này chiếm một tỷ lệ khá cao và là thời điểm quan trọng trong lây truyền bệnh.

– Giai đoạn thâm nhiễm thần kinh trung ương là lúc virus đã xâm nhập vào hệ thần kinh với một số lượng lớn. Biểu hiện tổn thương về hệ thần kinh đã vô cùng phong phú và đa dạng. Xảy ra các đáp ứng ở não, màng não, tủy sống hoặc có cả rễ thần kinh. Lúc này cần chẩn đoán phân biệt viêm não do các nguyên nhân khác.

3.2. Biểu hiện lâm sàng trẻ có 3 giai đoạn bao gồm: Ủ bệnh, toàn phát và lui bệnh.

Các dấu hiệu sớm để phát hiện bệnh để các bậc cha mẹ có thể lưu ý và đưa con đến khám ngay như sau:

  • Trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, kèm theo đau đầu, buồn nôn và nôn. Có thể chỉ có đau đầu hoặc nôn đơn thuần nhưng đôi khi kèm theo khi có ánh sáng hay tiếng động. Có thể trẻ có co giật, gồng cứng tay chân và nói sảng, nói lung tung, ngủ gà, ngủ gật, thay đổi tính tình. Ở những trẻ còn thóp sẽ đôi khi thấy thóp phồng, khóc liên tục không dỗ được hay tăng lên khi thay đổi tư thế.
  • Các triệu chứng về tổn thương trung tâm tim mạch và hô hấp hay thần kinh thực vật như tím tái, thở không đều, tăng tiết đàm giải, ngừng thở, ngừng tim.

Cần nghĩ đến viêm não do virus ở trẻ sốt mà có thêm biểu hiện đau đầu, nôn mửa, co giật, li bì khó đánh thức, thóp phồng hay cứng cổ.

4. Biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản

  • Các biến chứng của bệnh có thể gây tử vong trong giai đoạn toàn phát như ngừng tim, ngừng thở, tắc nghẽn đờm dãi, rối loạn chức năng sống phải phụ thuộc vào các phương tiện hỗ trợ như thở máy và thuốc thang.
  • Về di chứng của bệnh trẻ sẽ giảm sốt vào tuần thứ 2, ra khỏi cơn hôn mê nhưng còn ngơ ngác, co giật nhẹ, không làm chủ được ngôn ngữ, thay đổi tác phong, liệt các chi, tăng trương lực cơ, tăng động, động kinh. Chậm phát triển về tinh thần- vận động, trí tuệ.

Trẻ có thể bị liệt hoặc các di chứng về thần kinh

  • Về mức độ di chứng thần kinh phụ thuộc vào mức độ tổn thương não, điều trị triệu chứng, biến chứng cũng như khả năng phục hồi của nhu mô não.

Cùng thể tích não trẻ nhỏ sẽ bị tổn thương nhiều tế bào não hơn so với trẻ lớn tuy nhiên trẻ <6 tuổi quá trình myeline hóa còn đang tiếp tục nên có khả năng phục hồi thuận lợi hơn trẻ lớn.

5. Điều trị viêm não Nhật Bản

Khi nghi ngờ trẻ bị viêm não virus cần phải được chuyển trẻ đến cơ sở điều trị gần nhất và xử trí cấp cứu trước khi chuyển viện.

5.1. Về điều trị

  •  Hiện chưa có điều trị đặc hiệu của bệnh viêm não nhật bản B
  •  Điều trị hỗ trợ như chống suy hô hấp, chống phù não, chống sốc, co giật, hạ sốt
  •  Đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc, phục hồi chức năng.
  •  Lưu ý trong điều trị là cần tích cực trong giai đoạn cấp để hạn chế các biến chứng của bệnh.

5.2. Về dinh dưỡng và chăm sóc phục hồi chức năng có những điểm lưu ý như sau:

  • Cần cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, đủ muối khoáng và năng lượng cao.
  • Với trẻ bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ không bú được thì đút muỗng hoặc bơm qua sonde mũi dạ dày.
  • Thận trọng với hội chứng trào ngược dạ dày thực quản dễ gây sặc ở trẻ.
  • Bổ sung đầy đủ các loại vitamine B và C.
  • Trong trường hợp không nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa có thể nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Nhưng lưu ý hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
  • Chú ý chăm sóc da, miệng, thường xuyên thay đổi tư thế tránh tổn thương do đè ép gây loét và vỗ rung để tránh xẹp phổi và viêm phổi do ứ đọng đờm giãi. Hút đàm giải thường xuyên, chống táo bón, bí tiểu.
  • Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, tri giác, dấu hiệu phù não.
  • Tiến hành tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt khi lâm sàng trẻ ổn định và nhất là khi có di chứng.

6. Phòng bệnh viêm não Nhật Bản 

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất

 

Các biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay vẫn là:

  • Biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Về liều tiêm của vaccine là tiêm 2 lần cách nhau 7-14 ngày. Sau đó nhắc lại mũi thứ 3 cách 1 năm. Và cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
  • Ngủ treo mùng, tránh muỗi đốt.
  • Diệt bọ gậy, diệt muỗi .

BS Nguyễn Nhung

BS nội trú – Đại học Y Huế

error: Alert: Content selection is disabled!!