Thoát vị đĩa đệm cổ: Điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm

Thoát vị đĩa đệm cổ là một trong những căn bệnh gây ra sự khó chịu và đau đớn cho người mắc. Trong Y học, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể tạo ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng vận động, chất lượng cuộc sống và tâm lý người mắc.

1. Thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống người bệnh và nguy hiểm hơn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn cảm giác và vận động, thậm chí liệt tứ chi.

Bệnh hay gặp ở lứa tuổi lao động và người lớn tuổi, nam nhiều hơn nữ tuy nhiên tỷ lệ người trẻ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ngày càng gia tăng. Các nghề nghiệp như: Thợ lặn, khuân vác, nghề nghiệp phải ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, lái xe), nghệ sĩ piano, đánh trống, xiếc nhào lộn, người thường thực hiện các động tác cúi gập quá mức, bấm nắn cổ không đúng kỹ thuật thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người khác.

2. Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cổ

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Chấn thương và thoái hóa, trong đó nguyên nhân thoái hóa chiếm đa số.

Chấn thương cột sống có thể được gây ra bởi:

  • Sai tư thế: Tư thế lao động, mang vác vật nặng sai cách dễ gây chấn thương cột sống và thoát vị đĩa đệm.
  • Chấn thương: Khi có một lực mạnh tác động trong các trường hợp té ngã, chơi thể thao, tai nạn giao thông… làm thay đổi cấu trúc và vị trí đĩa đệm.
  • Thoái hóa tự nhiên: Tuổi càng cao, cột sống không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi bên trong nhân nhầy giảm đi, nên càng có nguy cơ cao bị mắc phải chứng bệnh này. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 35 – 50. Các yếu tố thúc đẩy sự thoái hóa cột sống bao gồm: Béo phì, rối loạn chuyển hoá, thiếu dưỡng chất, ít vận động, dị dạng cột sống cổ, bệnh lý tự miễn dịch cũng là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra nhanh và sớm hơn.

3. Dấu hiệu mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Đau nhức: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất khi bị thoát vị đĩa đệm cổ. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng cổ đột ngột và lan ra các vị trí khác của cơ thể như đầu, cánh tay, bả vai và gây ra hội chứng cổ vai cánh tay. Tùy vào mức độ bệnh mà mức độ và tần suất của triệu chứng sẽ xuất hiện khác nhau. Nếu bệnh nặng thì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, vận động của người bệnh.

Đau nhức là dấu hiệu rõ ràng nhất khi cột sống bị tổn thương, dây thần kinh bị chèn ép do dịch thoát ra khỏi bao hoạt dịch

Tê bì một vài vị trí trên cơ thể: Tùy vào dây thần kinh bị chèn ép mà khu vực bị tê bì có thể khác nhau. Nếu đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí vốn có và gây chèn ép lên dây thần kinh thì bệnh nhân có thể sẽ thấy tê bì, mất cảm ở vùng cánh tay, bàn tay và có thể lan sang cả ngón tay, dọc đường đi của dây thần kinh. Nếu tủy sống bị chèn ép thì cảm giác tê bì sẽ lan đến tứ chi.

Yếu cơ tay chân: Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ càng nặng thì cơ tay chân sẽ càng yếu dần, thường chỉ xảy ra khi nhân nhầy chèn ép vào tủy sống. Thông thường, cơ chân sẽ bị yếu trước, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Khi hoạt động gắng sức, cơ đùi và bắp chân thường rung lên, không kiểm soát tốt. Sau đó cơ tay sẽ bị ảnh hưởng, khả năng cầm nắm cũng giảm.

Hạn chế phạm vi cử động: Khu vực cổ không những bị đau mà cứng hơn, khả năng vận động cũng không còn linh hoạt. Các cử động khó như cúi, ngửa cổ, đưa tay ra sau lưng trở nên khó thực hiện. Nếu cố gắng, người bệnh dễ bị đau đớn hơn hoặc căng cứng cơ vô cùng khó chịu.

Ngoài các triệu chứng điển hình khi dây thần kinh hoặc tủy sống chịu ảnh hưởng do thoát vị đĩa đệm cổ thì bệnh nhân có thể xuất hiện một số dấu hiệu về hô hấp và tiêu hóa khi dây thần kinh liên quan chịu ảnh hưởng.

Thoát vị đĩa đệm cổ có thể gây ra những cơn đau vùng cổ - vai - gáy

4. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ

Điều trị giai đoạn đầu

Phương pháp này gồm nhiều liệu pháp kết hợp với nhau, được thực hiện ở giai đoạn bệnh còn nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bao gồm các phương pháp:

Bất động cột sống cổ: Trong giai đoạn cấp đang đau nhiều, bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường, đeo nẹp cổ khi ngồi và khi đi lại trong một đến ba ngày đầu. Bất động cột sống cổ có tác dụng giảm phù nề, giảm đau cột sống.

Sử dụng thuốc: Tùy mức độ đau mà các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetamol hoặc nhóm thuốc giảm đau nhóm NSAIDs giúp giảm đau và giảm viêm rễ thần kinh. Các loại thuốc giãn cơ giúp giảm các cơn đau do co cứng cơ cạnh cột sống. Ngoài ra còn có các vitamin nhóm B.

Vật lý trị liệu:  Kéo dãn cổ có thể giúp duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cổ, có khả năng chống đau tốt hơn. Một số bài tập, chẳng hạn như hóp cằm, tư thế ngửa đầu về phía sau giúp đầu và cổ có tư thế tốt hơn, giảm áp lực lên cột sống cổ cũng như các đĩa đệm.

Điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ

Khi tất cả các phương pháp điều trị trong giai đoạn bệnh nhẹ không đạt được hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện có nên phẫu thuật hay không sau 6 tuần điều trị trước đó. Tuy nhiên, khả năng tái phát sau phẫu thuật vẫn có thể xảy ra. Các phương pháp phẫu thuật gồm:

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng nội soi: Phương pháp ít xâm lấn, ít tàn phá cơ, phần mềm, hiệu quả nhanh. Áp dụng với thể thoát vị lệch phía sau bên hoặc thoát vị lỗ liên hợp.

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo lối trước: Bảo vệ được chức năng vận động của đĩa đệm, tuy nhiên chỉ áp dụng được khi cột sống vẫn còn vững.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng lấy bỏ đĩa đệmhợp nhất 2 đốt sống: Ưu điểm lấy bỏ rộng rãi thoát vị đĩa đệm và đĩa đệm thoái hóa, cố định vững chắc cột sống cổ. Thực hiện được khi không áp dụng được phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo. Nhược điểm: Mất biên độ vận động đĩa, gây thoái hóa các tầng liền kề nhanh hơn.

Nguồn BS. Trần Tuấn Anh

error: Alert: Content selection is disabled!!