Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn thường gặp nhất và có triệu chứng đa dạng nhất. Không có loại thức ăn nào là nguyên nhân gây ra lupus ban đỏ hệ thống, cũng như không có loại nào có thể điều trị khỏi được bệnh. Nhưng, một chế độ dinh dưỡng tốt và sinh hoạt hợp lý có thể cải thiện được bệnh tật và thay đổi được diễn biến của bệnh. Khi mắc lupus ban đỏ nên ăn gì, lupus ban đỏ kiêng ăn gì, kiêng làm gì là những điều hết sức lưu ý đối với mọi người bệnh.
1. Vai trò của dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt với người bệnh lupus ban đỏ.
Nếu người bệnh lupus có một chế độ ăn hợp lý thì có thể giúp:
– Duy trì được sức mạnh của xương và cơ.
– Hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị.
– Đạt được và duy trì được cân nặng lý tưởng.
– Giảm nguy cơ cho bệnh tim mạch.
– Nâng cao sức đề kháng, hạn chế các nhiễm trùng cơ hội và triệu chứng khác.
2. Lupus ban đỏ nên ăn gì?
2.1. Rau xanh và hoa quả tươi.
Rau xanh và hoa quả tươi có thể nâng cao sức đề kháng và hạn chế viêm nhiễm. Đó là những loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin và vi lượng… rất cần thiết cho người mắc lupus. Người mắc lupus nên ăn nhiều các loại rau xanh như cải, đậu đỗ, xà lách.. hoa quả như bưởi, cam, thanh long, chuối, mãng cầu, măng cụt.
Người bệnh lupus nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả
2.2. Thực phẩm giàu và vitamin D.
Việc điều trị bệnh bằng các thuốc như corticoid, ức chế miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Vì vậy, việc bổ sung Canxi và Vitamin D là không thể thiếu. Canxi và Vitamin D có nhiều trong sữa ít béo, sữa chua, phomat ít béo, sữa đậu nành.
2.3. Thực phẩm giàu protein và ít béo.
Một số tổn thương tại các cơ quan như thận, tiêu hóa có thể làm khó hấp thu và mất đi một lượng lớn protein. Vì vậy, cần bổ sung đủ lượng protein để duy trì được các chức năng như tạo máu, hồi phục các cơ quan, duy trì khối lượng cơ. Cá, thịt gà, đậu đỗ là những thực phẩm giàu protein, ít béo mà người bệnh lupus nên bổ sung hằng ngày. Sữa ít béo và sữa chua chứa một hàm lượng lớn protein chuẩn, ngoài ra còn kích thích cho sự tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
2.4. Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì.
Loại thực phẩm này cung cấp dồi dào vitamin nhóm B, chất xơ giúp ngừa được táo bón và nguy cơ bệnh tim mạch.
2.5. Nước.
Hơn 70% cơ thể sống là nước. Vì vậy người bệnh lupus ban đỏ nên bổ sung đủ nước cho cơ thể, ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày để cơ thể đào thải được các chất độc một cách dễ dàng.
2.6. Thực phẩm giàu vi lượng.
Vi lượng mà người mắc bệnh lupus thường thiếu là acid folic, kali, sắt và kẽm, do bản thân bệnh và do quá trình điều trị bệnh. Những yếu tố này có nhiều trong sò, hải sản, gà vịt, trứng, gan, thịt bò, thịt heo, gà vịt, rau đậu, ngũ cốc, chuối.
3. Lupus ban đỏ kiêng ăn gì?
3.1. Thực phẩm nhiều chất béo.
Người bệnh lupus ban đỏ thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 2-4 lần và nguyên nhân hàng đầu là xơ vữa động mạch. Việc giảm cholesterol, mỡ máu là một trong những mục tiêu điều trị quan trọng nhất. Tránh ăn các thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ. Sử dụng dầu thực vật và dầu cá thay vì dùng mỡ động vật. Không nên ăn nội tạng động vật nhiều vì đây là loại thực phẩm có nhiều cholesterol.
Người bị lupus ban đổ nên tránh những thực phẩm chiên rán và có nhiều chất béo
3.2. Đồ uống có chứa caffein.
Người bị lupus ban đỏ nên loại bỏ những loại đồ uống chứa nhiều caffein như cà phê, trà, đồ uống có gas, nước tăng lực… ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. Nguyên nhân là vì những loại đồ uống này sẽ làm cơ thể giảm hấp thụ sắt và làm cơ thể thêm căng thẳng.
3.3. Muối.
Tăng huyết áp, tổn thương tim, thận là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mắc lupus ban đỏ. Việc hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn sẽ khống chế phần nào mức độ tăng huyết áp và hạn chế sự tiến triển tổn thương tim, thận. 6g muối mỗi ngày là mức giới hạn cho các bệnh nhân lupus.
3.4. Rượu, bia.
Rượu bia làm tăng tác dụng phụ của thuốc, có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, suy giảm chức năng gan nên đây là thứ đồ uống người mắc lupus ban đỏ phải tránh xa
3.5. Rau mùi, cần tây, tỏi, lá đinh lăng.
Theo một số nghiên cứu, trong tỏi, lá đinh lăng, cần tây, rau mùi có những acid amin được cho là làm tăng sự đau cơ, mệt mỏi. Hạn chế ăn những loại thực phẩm này có thể tránh những triệu chứng không đáng có đó.
4. Lupus ban đỏ kiêng làm gì?
4.1. Lao động gắng sức.
Việc lao động gắng sức làm tích tụ các sản phẩm chuyển hóa có hại trong một thời gian ngắn, có thể gây một đợt cấp của bệnh. Mặc khác, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tự chăm sóc bản thân sẽ rất có ích cho người bệnh lupus.
4.2. Tiếp xúc ánh nắng.
Một đặc điểm của bệnh lupus là nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, nhất là tia tử ngoại. Vì vậy, tránh ra ngoài vào giờ cao điểm 10h-15h hàng ngày, dùng kem chống nắng và trang phục chống nhất là điều cần thiết cho bệnh nhân lupus.
Người bệnh lupus rất nhạy cảm với ánh sáng
4.3. Sang chấn tâm lý.
Một sang chấn tâm lý có thể khởi phát bệnh hoặc là nguyên nhân của một đợt bệnh tấn công. Tránh những căng thẳng trong công việc, tránh sang chấn tâm lý không những giúp đẩy lùi được bệnh mà còn làm cho cuộc sống thêm lạc quan.
Trên đây là những lưu ý riêng dành cho người mắc lupus ban đỏ hệ thống. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị về thuốc, người bệnh cũng nên có riêng cho mình một chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp.
Hồ Phương Thùy