Hiểu đúng về thoát vị đĩa đệm để điều trị dứt điểm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường chèn ép lên rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. Đây là bệnh xương khớp rất phổ biến hiện nay. Bệnh này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như chấn thương, thoái hóa,… Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về thoát vị đĩa đệm trong bài viết dưới đây.

1. Những nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Cấu trúc của đĩa đệm gồm hai thành phần chính là bao xơ và nhân nhầy. Bao xơ được hình thành từ các sợi collagen có khả năng đàn hồi tốt. Nhân nhầy có tính ngậm nước khá cao. Khi có tác động, nhân keo sẽ thoát nước ra ngoài làm đĩa đệm xẹp xuống để chịu lực cho cơ thể. Khi một trong hai hoặc cả hai thành phần bị tổn thương làm sai lệch cấu trúc đĩa đệm sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm. Một số nguyên nhân gây bệnh có thể gặp phải bao gồm:

  • Làm việc, vận động, lao động quá mức hoặc sai tư thế: Khuân, vác, bê, xách, kéo, đẩy, khom lưng, cúi đầu thường xuyên dễ gây tổn thương cột sống. Những người làm công việc ngồi lâu, ít thay đổi tư thế như nhân viên văn phòng, lái xe đường dài cũng dễ gây bệnh.
  • Các chấn thương ở vùng cột sống.
  • Quá trình lão hóa do tuổi tác gây thoái hóa, mất nước ở đĩa đệm.
  • Các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải như gù vẹo, thoái hóa cột sống,…
  • Yếu tố gia đình.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: Béo phì, hút thuốc lá.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa gây ra thoát vị đĩa đệm được cho là do sự thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho cột sống khiến cấu trúc xương đốt sống, đĩa đệm không còn chắc khỏe, suy yếu, dễ bị thoái hóa, tổn thương, nứt, rách.

2. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường gặp

Theo Arseni và cộng sự, thoát vị đĩa đệm được chia thành 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Mỗi giai đoạn có đặc điểm và dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp theo từng giai đoạn bệnh.

Giai đoạn I

Đây là giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm. Ở giai đoạn này, nhân nhầy bắt đầu xuất hiện biến dạng nhưng vẫn còn nằm nguyên trong bao xơ. Ở phía sau của vòng sợi xuất hiện một vài chỗ đứt rách nhỏ. Bệnh nhân giai đoạn I thường không có các triệu chứng rõ ràng. Một số người có thể thấy biểu hiện đau nhức thoáng qua, đau mỏi nhẹ và dễ nhầm lẫn với tình trạng đau lưng thông thường. Các triệu chứng và phim chụp X-quang có ít giá trị trong chẩn đoán, chụp MRI mới có thể quan sát được những thay đổi của cột sống.

Giai đoạn II

Nhân nhầy đĩa đệm bắt đầu có sự dịch chuyển lệch ra khỏi vị trí ban đầu, thường lồi về một phía của vòng sợi bị suy yếu, nhưng vẫn nằm trong đĩa đệm và không bị vỡ. Bao xơ có dấu hiệu phình to, trên bề mặt xuất hiện các vết nứt, vết rách nhỏ. Đĩa đệm trong giai đoạn này đã phình ra, có thể chèn ép lên các dây thần kinh, xương xung quanh. Bệnh nhân thường có một số triệu chứng như:

  • Cơn đau thoáng qua ở các vị trí trên cột sống như: Cổ, vai gáy, thắt lưng,…
  • Vị trí đau thường cố định.
  • Cảm giác tê không thường xuyên quanh khu vực bị thoát vị.

Giai đoạn III

Bao xơ bị đứt rách hoàn toàn, nhân nhầy và các tổ chức khác thoát ra bên ngoài. Một phần nhân nhầy có thể nằm ngoài bao xơ nhưng phần lớn vẫn còn nằm trong bao xơ. Đây là giai đoạn thoát vị đĩa đệm thực thụ. Trong giai đoạn này, người bệnh có triệu chứng lâm sàng rõ rệt gây trở ngại trong công việc và sinh hoạt hàng ngày:

  • Đau nhức lưng, nhất là ở cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng.
  • Giảm khả năng cử động của cột sống.
  • Xuất hiện điểm đau nhói trên cột sống khi ấn vào.
  • Đau lan xuống vai, tay và chân.
  • Tê bì tay chân.

Giai đoạn IV

Nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa. Bao xơ bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều vị trí khác nhau. Khoảng cách giữa hai đốt sống bị thu hẹp dẫn đến hẹp ống sống và tổn thương đốt sống. Trong giai đoạn này có thể xuất hiện gai xương mọc ở bờ viền thân đốt sống để duy trì chức năng của cột sống. Nhân nhầy tràn ra ngoài chèn ép lên các dây thần kinh và có thể gây viêm dây thần kinh, nhiễm trùng. Giai đoạn này, người bệnh có các triệu chứng nặng nề hơn như:

  • Đau lưng mạn tính.
  • Đau lan xuống vai, tay và chân.
  • Rối loạn vận động, đau khi vận động, thậm chí là mất hoàn toàn khả năng vận động.
  • Rối loạn đại tiểu tiện.
  • Rối loạn cảm giác.

Trên thực tế, không phải bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nào cũng tiến triển theo từng giai đoạn mà có thể có những bước tiến triển bệnh đột biến, đặc biệt là những người bị chấn thương hay lao động quá sức.

3. Dấu hiệu khi thoát vị đĩa đệm trở nặng

Khi có một trong những dấu hiệu dưới đây có nghĩa là tình trạng thoát vị đĩa đệm ngày càng nặng nề hơn, khi đó bạn cần đến bệnh viện để khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra.

  • Tình trạng đau ngày càng thường xuyên và đau nặng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.
  • Yếu cơ.
  • Són tiểu, đái dầm dề, nước tiểu tự chảy rỉ ra hoặc bí tiểu.
  • Mất cảm giác, thường gặp nhất ở bắp đùi trong, sau chân, xung quanh hậu môn.
  • Yếu cơ hoặc mất hoàn toàn khả năng đi lại.
  • Bại liệt.

4. Điều trị thoát vị đĩa đệm

Tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Thuốc điều trị nội khoa: Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chưa gây ra chèn ép dây thần kinh. Các thuốc này chủ yếu là thuốc giảm đau và chống viêm như acetaminophen, ibuprofen, corticosteroid, giãn cơ nhằm giảm triệu chứng bệnh.
  • Vật lý trị liệu: Được phối hợp song song cùng với các thuốc điều trị nội khoa để giảm đau, hạn chế tình trạng chèn ép dây thần kinh.
  • Tiêm corticosteroid giảm đau ngoài màng cứng: Corticoid là thuốc kháng viêm mạnh, khi được tiêm vào cơ thể có tác dụng giảm đau, viêm và các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm. Mỗi liệu trình điều trị là 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 – 7 ngày, áp dụng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm từ trung bình đến nặng.
  • Phẫu thuật: Khi tình trạng thoát vị chèn ép lên các dây thần kinh gây bí tiểu, mất cảm giác,… người bệnh sẽ được chỉ định một trong các hình thức phẫu thuật như: Nội soi, mổ hở, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain,…  nhằm giảm nguy cơ liệt.

5. Phòng tránh thoát vị đĩa đệm

  • Tăng cường luyện tập thể thao, tuy nhiên chỉ nên chọn các môn thể thao phù hợp với sức khỏe như: Bơi lội, yoga, đi bộ, đạp xe,…. Không lựa chọn các môn thể thao quá sức, dễ gây tổn thương cột sống.
  • Hạn chế mang vác vật nặng.
  • Điều chỉnh tư thế làm việc, không cúi, gập người, ngồi lâu một chỗ quá lâu. Cần đứng dậy đi lại, thư giãn khoảng 5-10 phút sau mỗi giờ làm việc.
  • Ăn uống điều độ: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, cá,… Hạn chế các loại thịt đỏ, những thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giữ BMI dưới 25kg/m² nhằm giảm gánh nặng lên cột sống.
  • Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.

Hiểu đúng, đủ các thông tin về thoát vị đĩa đệm giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả tối ưu. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt do thoát vị đĩa đệm gây ra.

BS. Vũ Thị Anh Đào

error: CHUNG TAY: CHIA SẺ NGAY NHATHUOC.PRO (=_=)