Điều trị bệnh trầm cảm, nguyên tắc và phương pháp

Điều trị bệnh trầm cảm luôn được cộng đồng cũng như các bác sĩ quan tâm bởi sự ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần,  thể chất của người bệnh. Bệnh trầm cảm là một rối loạn cảm xúc khiến người bệnh luôn cảm thấy buồn phiền, mất đi hứng thú với cuộc sống. Tình trạng này kéo dài sẽ tác động nghiêm trọng đến các mối quan hệ xã hội, thậm chí khiến người bệnh muốn chấm dứt cuộc sống của mình.

1. Những ai dễ mắc bệnh trầm cảm? 

Từ khi sinh ra đến lúc nhận biết được thế giới xung quanh, con người sẽ hình thành nên cảm xúc, tâm lý của riêng mình và chịu ảnh hưởng lớn bởi môi trường xã hội xung quanh. Do vậy, trầm cảm có thể xuất hiện ở tất cả lứa tuổi, không phân biệt giới tính.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu có một tuổi thơ không hạnh phúc hay cuộc sống chịu nhiều xáo trộn, đau khổ,  thường xuyên thấy bố mẹ tranh cãi, bạn bè xa lánh hay bạo lực gia đình… sẽ khiến trẻ hình thành sự sợ hãi ám ảnh đeo bám đến khi trưởng thành. Điều này làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

Đối với người lớn, khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn trẻ nhỏ, nhưng có thể do áp lực công việc cao, gánh nặng gia đình, kinh tế, bất ổn trong mối quan hệ tình cảm…. sẽ khiến họ dễ mắc bệnh trầm cảm. Phụ nữ dễ bị cảm xúc chi phối hơn đàn ông nhưng không có nghĩa là nam giới sẽ ít có nguy cơ bị trầm cảm. 

Ngoài ra, một số bệnh cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm như: Rối loạn tâm thần, bệnh tuyến giáp…

Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lời khuyên dành cho bạn là: Hãy sống thật lành mạnh với chế độ luyện tập, làm việc và ăn uống hợp lý, tích cực tham gia các hoạt động sẻ chia vì cộng đồng, tránh tiếp xúc với những người xấu, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần.

2. Trầm cảm nặng có chữa được không?

Bệnh trầm cảm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ, các dấu hiệu có thể xuất hiện rồi biến mất nhanh nên khó phát hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh trở nặng với các triệu chứng rõ ràng. Và tất nhiên, điều trị bệnh trầm cảm nặng sẽ rất khó, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm:

  • Cảm xúc đau buồn, mất hứng thú, niềm vui với các hoạt động thường ngày như quan hệ, thể thao hay sở thích.
  • Giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng với những vấn đề rất nhỏ.
  • Hay lo lắng, kích động, bồn chồn.
  • Cảm thấy vô dụng, tội lỗi, tự trách bản thân.
  • Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn và tăng cân không kiểm soát.
  • Rối loạn giấc ngủ như: Mất ngủ hay ngủ quá nhiều.
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng khi làm việc, ngay cả những việc nhỏ nhất.
  • Chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, hành động.
  • Gặp khó khăn trong suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ.
  • Các vấn đề về sức khỏe như: Đau đầu, đau lưng không tìm được nguyên nhân.
  • Thường xuyên nghĩ về cái chết, có ý nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự tử.

Bác sĩ có thể chẩn đoán trầm cảm nặng nếu bạn có ít nhất 5 trong các dấu hiệu trên bao gồm dấu hiệu có cảm xúc đau buồn hoặc mất hứng thú với hoạt động đã từng thích, xuất hiện thường xuyên trong thời gian tối thiểu 2 tuần hoặc kéo dài hơn. Do đó, việc điều trị bệnh trầm cảm là vô cùng cần thiết trong giai đoạn này.

Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh trầm cảm

3. Bệnh trầm cảm có tự khỏi không?

Với các biểu hiện trầm cảm nhẹ như thỉnh thoảng cảm thấy buồn rầu, giận dữ vô cớ…. người bệnh có thể không nhận biết được mình bị trầm cảm, do đó việc tiếp cận điều trị rất khó. Nếu duy trì cuộc sống lành mạnh, dấu hiệu trầm cảm có thể dần biến mất nhưng không có nghĩa tự khỏi hoàn toàn, trầm cảm vẫn sẽ tiềm ẩn nguy cơ tái phát.

Các dấu hiệu trầm cảm được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị bệnh ở đa số trường hợp là thành công. Trừ những trường hợp đặc biệt do nguyên nhân phức tạp gây ra sẽ khiến điều trị bệnh trầm cảm trở nên khó khăn.

4. Nguyên tắc điều trị bệnh trầm cảm

Người bệnh trầm cảm nên tuân thủ các nguyên tắc điều trị như sau:

  • Loại bỏ tất cả cảm xúc tiêu cực.
  • Phục hồi chức năng.
  • Phòng ngừa tái phát.

Tìm ra nguyên nhân để điều trị bệnh trầm cảm là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chẩn đoán được chính xác. . Do trầm cảm là một căn bệnh phức tạp chịu tác động của nhiều yếu tố từ tâm sinh lý cho đến môi trường xã hội, các mối quan hệ của người bệnh.

Điều trị bệnh trầm cảm sẽ cần đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, bạn bè của người bệnh. Giúp họ hòa nhập lại với cuộc sống thường ngày, chia sẻ giảm bớt nỗi lo, nỗi sợ hãi của bệnh nhân, từ đó làm gia tăng các cảm xúc tích cực. Điều này vô cùng quan trọng để họ vượt qua trầm cảm.

Bệnh trầm cảm không chỉ tác động đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: Mất ngủ, ăn uống kém, sụt cân hoặc tăng cân do tăng cảm giác thèm ăn, đau đầu không rõ nguyên nhân… Vì vậy, việc điều trị bệnh cần kết hợp với phục hồi sức khỏe sinh lý. Xây dựng chế độ dinh dưỡng điều độ, tăng cường thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất có trong rau xanh, hoa quả tươi và nghỉ ngơi hợp lý.

Phòng ngừa là bước quan trọng để bảo vệ được kết quả điều trị, phụ thuộc vào cách cải thiện lối sống cho bệnh nhân.

5. Các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm

Điều trị bệnh trầm cảm bao gồm các phương pháp: Dùng thuốc và sử dụng các liệu pháp trị liệu.

  • Thuốc: Bác sĩ có thể kê cho bạn các thuốc chống trầm cảm, chống lo âu và an thần.
  • Liệu pháp trị liệu:
    • Liệu pháp ánh sáng: Tiếp xúc với ánh sáng ban ngày thường xuyên giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn.
    • Châm cứu, thiền định: Là cách thư giãn, giải phóng cảm xúc hiệu quả. Bạn nên xin ý kiến bác sĩ về vấn đề này.
    • Tập cách chia sẻ câu chuyện, tâm trạng về cuộc sống với bác sĩ, người thân, bạn bè.

Quá trình điều trị cần có sự theo dõi sát sao của bác sĩ để đánh giá hiệu quả cũng như thay đổi phương pháp khi cần thiết.

6. Những thói quen giúp cải thiện và phòng ngừa bệnh trầm cảm

Thiền định giúp điều trị bệnh trầm cảm

Thiền định giúp điều trị bệnh trầm cảm

Trong và sau quá trình trị liệu trầm cảm cần phối hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh để điều trị và phòng ngừa trầm cảm đạt hiệu quả tốt nhất.Một số thói quen giúp cải thiện và phòng ngừa bệnh trầm cảm:

  • Tập thể dục, yoga, thư giãn hàng ngày 15- 30 phút. Các bài tập hít thở, giãn cơ, ngồi thiền sẽ có tác dụng tốt.
  • Ngủ đủ giấc 6-8 tiếng/ ngày, nên ngủ sớm trước 11h và không thức khuya.
  • Giảm căng thẳng, điều tiết nhịp độ công việc bằng cách lên kế hoạch, thời gian biểu, ưu tiên công việc quan trọng.
  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội để tăng sự kết nối với môi trường bên ngoài.
  • Xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, tránh xa những người bạn xấu.
  • Chế độ ăn uống hợp lý, ăn đủ và đúng bữa, tránh đồ ăn nhiều dầu, mỡ; bổ sung các vitamin và khoáng chất từ cá, rau xanh, và hoa quả tươi như vitamin B, D, omega-3… Có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng theo tư vấn của bác sĩ.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia.

Người bị bệnh trầm cảm luôn cần sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng để giúp họ hòa nhập, trở về cuộc sống bình thường. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ để có lựa chọn phương pháp điều trị bệnh trầm cảm tốt nhất.

BS. Nguyễn Phương Thùy

error: CHUNG TAY: CHIA SẺ NGAY NHATHUOC.PRO (=_=)